Tình Yêu Giữa Hàm Số Và Đạo Hàm

Chương 1-5

Chương 1

"Đã hết giờ làm bài, mời các thí sinh ngừng viết......"

Trong phòng thi, các thí sinh đầy tiếc nuối buông bút ký mực nước 0.5mm xuống, quyến luyến nhìn bài làm của mình, trong mắt đong đầy nước mắt, tựa như cô gái khuê các sắp phải chia tay người yêu.

Rồi họ chỉ biết mở to mắt nhìn đôi tay to lớn của giám thị - lạnh lùng và quyết đoán như thể chia lìa uyên ương, tàn nhẫn thu lại những tờ giấy thi 'được cho là quyết định vận mệnh cả đời' của họ.

Bên ngoài phòng thi, ánh nắng chói chang, hơi nóng bốc lên từ mặt đất, lưng của các thí sinh thì hứng trọn tia nắng trời, nóng đến mức chỉ cần nói thêm một câu thôi cũng thấy phí sức.

Trước cổng trường - địa điểm thi hôm nay - người đông như biển, đầu người chen chúc khiến ai mắc chứng sợ không gian hẹp chắc sẽ phải lập tức bỏ chạy.

Tiếng ve sầu kêu râm ran hòa lẫn với cuộc trò chuyện của đám đông phụ huynh tạo nên một âm thanh hỗn độn chẳng khác nào một con muỗi đang bay vo ve trong màn ngủ giữa đêm khuya: bật đèn thì tìm không thấy, tắt đèn thì đánh không trúng nhưng tiếng kêu lại cứ vang rõ mồn một bên tai, phiền muốn chết!

Giữa đám đông mặc đồ sặc sỡ chờ đón con em mình, số đông là các mẹ.

Trong số các bà mẹ, nhiều người mặc sườn xám.

Trong số những người mặc sườn xám, phần lớn chọn màu đỏ.

Tất nhiên, trong số những bà mẹ không mặc sườn xám, đa số vẫn chọn mặc đồ đỏ.

Dù sao thì, đây là ngày đầu tiên của kỳ thi đại học - mở cửa gặp màu đỏ là điềm lành.

Cái gọi là 'bí kíp phối đồ cho phụ huynh kỳ thi đại học' đã lan truyền như virus trong các khu dân cư, khách sạn, cửa hàng quần áo gần trường thi, không gì cản nổi. Hầu hết các bậc phụ huynh đều bị 'nhiễm bệnh' và kết quả chính là cảnh tượng hiện tại.

Nếu hỏi tại sao họ mặc sườn xám?

'Cờ khai đắc thắng' – cờ mở ra là thắng lợi ngay!

Dưới ánh nắng gay gắt, mồ hôi cha mẹ rơi như mưa nhưng cũng chẳng thể ngăn cản được tinh thần đồng hành cùng con cái.....

Có phụ huynh cầm một bó hoa quế, ngụ ý 'Cung trăng hái quế'*.

(*ý chỉ đỗ đạt, vinh quang).

Có người giơ điện thoại lên, kiễng chân mới đủ để nhô đầu khỏi đám đông, khó nhọc xoay một vòng ba trăm sáu mươi độ giữa biển người chen chúc, quay lại một đoạn video ngắn rồi đăng lên vòng bạn bè:

[Con gái thi đại học rồi, mong ba năm nỗ lực không uổng phí, trời không phụ lòng người có tâm!]

Cùng với đó là một bức ảnh Quan Âm Bồ Tát.

Cũng có phụ huynh đang trò chuyện với nhau.....

"Con nhà chị có điểm số khá nhỉ?" Mẹ thí sinh A hỏi.

Mẹ thí sinh B thoáng nở nụ cười đắc ý nhưng vẫn xua tay khiêm tốn:

"Ôi dào, không có đâu, chắc chỉ đỗ được Nam Kinh thôi."

>>>>>>>>>>

Chương 2

Bỗng nhiên, những hình bình hành được tạo bởi cánh cổng trường thi dần khép lại.

Các thí sinh ùn ùn tràn ra, dáo dác tìm kiếm hai gương mặt thân thuộc giữa đám đông.

Trong số đó có thí sinh C.

Thí sinh C đã bị đề toán năm nay hành cho tơi bời.

Bình thường điểm toán của cô chỉ khoảng 100, may mắn lắm mới lên được 120. Trước kỳ thi, cô đã nhẹ dạ cả tin lời giáo viên toán của mình.....

"Đề thi đại học sẽ dễ hơn đề thi thử."

Thế là cô ôm hy vọng đạt 125 điểm, kiêu hãnh bước vào trường thi.

Nhưng cuối cùng, cô lại bước ra với dáng vẻ hồn bay phách lạc, chẳng khác nào con gà rơi xuống nước.

Cô âm thầm tính lại số câu mình bỏ trống.

Lại tính tiếp số câu đã làm nhưng không chắc chắn.

Tay của cô run lên, suýt chút nữa đánh rơi cả thẻ dự thi.

Ở chỗ không xa lắm, mẹ của thí sinh C đang chờ đón con mình với nụ cười hiền hòa như lãnh đạo đi thăm hỏi quần chúng nhân dân.

Đây là nụ cười hiếm thấy vô cùng, hiếm ngang với hiện tượng 'vừa có nắng vừa có mưa' trên trời - không phải không có, chỉ là quá hiếm.

Bình thường mẹ cô nóng tính lắm, động tí là 'gọi gió gọi mưa', đặc biệt là khi nhìn thấy con gái mình nằm dài trên sofa, ghế hay giường chơi điện thoại.

Chỉ cần cô vừa rảnh tay, mẹ cô lập tức lên tiếng:

"Đi phơi đồ cho mẹ mau!"

Mà khi cô uể oải đứng dậy, thể nào cũng nghe thêm một câu:

"Lớn tướng rồi mà làm gì cũng phải nhắc!"

Nhưng lúc này đây, mẹ cô lại giữ nguyên nụ cười tiêu chuẩn như khi chụp ảnh thẻ, để lộ tám chiếc răng, giọng dịu dàng như làn gió xuân:

"Con gái à....."

Bà nuốt xuống câu 'Thi thế nào rồi?' vốn định thốt ra ngay lập tức rồi nhẹ giọng nói:

"Về nhà thôi."

>>>>>>>>>>

Chương 3

Ai cũng biết rằng, trong hai ngày 7 và 8 tháng 6 mỗi năm, thí sinh thi đại học là loài động vật quý hiếm được bảo vệ cấp quốc gia trong gia đình.

Trong hai ngày này, đãi ngộ của họ tăng lên đáng kể, họ được đối xử như hoàng đế, bữa ăn được nâng cấp hẳn một bậc.

Không chỉ được chăm lo về vật chất, họ còn được hưởng sự quan tâm tối cao đến từ cha mẹ.

Vì ai cũng biết rằng.... trong hai ngày thi đại học, tính khí của phụ huynh đều đặc biệt tốt.

Bạn C trông đầy chán nản.

Cô không ngờ rằng bài chọn làm theo bất đẳng thức cơ bản lại không thể giải bằng phương pháp lồng ghép như dự tính. Cô không ngờ rằng bài khó nhất năm nay lại là bài xác suất. Cô không ngờ rằng đạo hàm đã bị đẩy xuống câu 20 mà vẫn không làm được. Cô cũng không ngờ rằng bài đường conic* năm nay, đến khi phân tích đến biểu thức hàm số, cô lại phát hiện mình không thể tìm ra giá trị lớn nhất của diện tích tam giác.....

(*tập hợp các đường cong hình học được tạo ra khi một mặt phẳng cắt một hình nón, tiêu biểu như đường tròn, elip, parabol, hyperbol,...)

Khoan đã..... Hình như là vì quên xét trường hợp hệ số góc không tồn tại rồi!

Cô suýt bật khóc: "Con..... làm hỏng bài rồi."

Mẹ của bạn C mặc một chiếc xườn xám đỏ rực, nghe vậy thì nụ cười trên mặt lập tức đông cứng. Bà quay sang nhìn người chồng mặc trường sam màu xanh lam thẫm với vẻ trách móc:

"Ông xem đấy! Tôi đã bảo ông cũng phải mặc màu đỏ rồi, ông không chịu tin. Giờ thì con gái thi hỏng rồi đấy!"

Sau đó bà lập tức quay lại vỗ về con gái:

"Không sao không sao, chỉ cần làm tốt bài Khoa học tổng hợp, con vẫn có thể kéo điểm lên mà."

Bạn C nghe vậy liền bật ra một tiếng nức nở từ cổ họng: "Chỉ cần bài Khoa học tổng hợp của con không kéo điểm xuống là may lắm rồi....."

Chỉ thấy khuôn mặt của cha bạn C đầy phức tạp, nét mặt xoắn xuýt rồi chậm rãi nói: "Cha hiểu rồi, ngày mai cha nhất định sẽ mặc đồ màu xanh lá."

Bạn C, mẹ bạn C và cha bạn C cùng nhau về nhà.

Thế nhưng, điều vừa ngoài dự liệu nhưng cũng hoàn toàn hợp lý đã xảy ra - đề Khoa học tổng hợp ngày hôm sau vẫn cực kỳ khó.

Rất nhiều thí sinh khổ không kể xiết, nước mắt ròng ròng, lặng lẽ xé bỏ tờ giấy nhớ dán trên bàn học có dòng chữ 'Tôi phải đỗ Thanh Hoa' rồi bắt đầu dò hỏi về những trường luyện thi lại có chất lượng tốt cùng với học phí học lại. Sau đó, họ bới đống tài liệu, đề cương, bài thi cao như núi, tìm lại những cuốn 'Bộ 45 đề thi vàng', 'Bộ đề không thể bỏ qua trong kỳ thi đại học', 'Đề thi chung của trường Trung học Hằng Trung', 'Đề thi thật đã qua các năm'..... mà họ vốn định gom lại bán đồng nát.

Người ta thường nói 'Ngai vàng thay nhau ngồi, năm nay đến lượt nhà tôi' còn trong giới định nghĩa toán học của sách giáo khoa trung học, đây lại là một phong cảnh khác....

Lúc này đây, Xác Suất ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh, hếch cằm, nghênh ngang bước dọc hành lang văn phòng. Đôi giày da của cậu ta nện xuống sàn vang lên những tiếng cộp cộp đầy khí thế.

>>>>>>>>>>

Chương 4

Từ trước đến nay, Xác Suất chưa từng được các thí sinh xem trọng. Đến mức giáo viên toán của một trường trung học bên cạnh, thầy Vương, từng chế giễu: "Không làm được bài xác suất chứng tỏ kỹ năng đọc hiểu kém, phải học lại môn Ngữ văn cho đàng hoàng!"

Là một giáo viên toán nhưng lão Vương lại hao tâm tổn trí vì môn Ngữ văn của học sinh. Đặc biệt là khi thấy một học sinh đứng đầu lớp, điểm Khoa học tổng hợp gần như tuyệt đối nhưng môn Ngữ văn lại chỉ có hai con số, ông đau khổ sờ lên cái đầu hói của mình, tiện tay nhổ thêm vài cọng tóc rồi khuyên bảo bằng giọng đầy tâm huyết:

"Cũng phải đầu tư vào môn Ngữ văn chứ! Một học sinh xuất sắc như em, có thi đậu Thanh Hoa, Bắc Đại được hay không chính là dựa vào điểm Ngữ văn đấy. Em xem, nếu Ngữ văn của em được 110 điểm thì cũng không thấp đâu nhé. Nhưng nếu người khác được 130 điểm, em đã bị bỏ xa 20 điểm rồi...."

"Hai mươi điểm đó, em định kéo lại từ đâu? Một học sinh hàng đầu như em, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tổng hợp đều gần đạt điểm tuyệt đối nên càng phải dành thêm thời gian cho Ngữ văn chứ....."

Học sinh đứng đầu lớp nhỏ giọng thanh minh: "Ngày nào em cũng học Ngữ văn đến tận nửa đêm mới ngủ...."

Nhưng vấn đề là, môn Ngữ văn vốn là một điều huyền bí, không phải sao? Nếu không thì tại sao cậu ta càng luyện đề, điểm càng giảm từ hơn 100 xuống còn hơn 90 chứ.....

Lão Vương dùng vẻ mặt nặng nề vỗ vỗ vai cậu học trò xuất sắc nhất lớp, trầm giọng nói: "Công lực vẫn chưa đủ sâu, tiếp tục cố gắng!"

Vị trí của mỗi định nghĩa toán học trong sách giáo khoa trung học được quyết định bởi độ khó của bài toán trong đề thi đại học. Đề thi đại học luôn tuân theo nguyên tắc 'ổn định nhưng có thay đổi', khiến địa vị của các định nghĩa toán học cũng thay đổi theo từng năm.

Có năm thay đổi ít, học sinh sẽ chê đề thi không sáng tạo, thiếu tính phân loại. Nhưng nếu thay đổi quá nhiều, học sinh lại chửi bới tổ ra đề bằng đủ thứ ký hiệu #$.^!€&#..$^&..%$#.?%!

Dù sao thì, dù thay đổi thế nào, yếu tố ổn định vẫn phải được duy trì. Vì vậy, Hàm Số Lượng Giác, Giải Tam Giác và Dãy Số - ba người anh em cùng khổ - năm nào cũng chỉ được làm nền ở câu 17, nhiều lắm cũng chỉ lên đến câu 18.

Còn Xác Suất, những năm trước đều phải cam chịu xếp ở câu 19 hoặc 20.

Nhưng năm nay, Xác Suất cuối cùng cũng ngẩng cao đầu – cậu ta đã vượt qua rào cản từ câu 20 lên câu 21!

Phải biết rằng, Đường Elip đã 'ăn bám' ở câu 20 suốt bao nhiêu năm nay vậy mà còn chưa từng bước lên câu 21 lần nào. Trong khi đó, từ lâu người ta đã nghĩ rằng Đường Elip mới là ứng cử viên sáng giá nhất thay thế câu 21 của Đạo Hàm!

Ai ngờ, chính Xác Suất mới là kẻ đầu tiên giành lấy vinh quang lịch sử này!

Sau khi biết tin, điều đầu tiên mà Xác Suất muốn làm chính là tổ chức một buổi tiệc linh đình, mời các định nghĩa toán học khác cùng tham gia.

Vì cậu ta muốn nhân cơ hội này tuyên bố với cả thế giới rằng: Tôi, Xác suất, cuối cùng cũng đã trở thành câu 21 của đề thi đại học toàn quốc!

>>>>>>>>>>

Chương 5

Mỗi định nghĩa toán học đều có một văn phòng riêng. Công việc hàng ngày của họ là thu thập và tổng hợp đề thi đại học cùng đề luyện thi, sau đó nộp lại cho tổ ra đề.

Địa vị của một định nghĩa toán học càng cao, văn phòng càng sang trọng.

Mỗi năm, khi đề thi đại học được công bố, địa vị của các định nghĩa sẽ có thay đổi nhỏ. Năm nay, khi đề Toán vừa được công bố, Đạo Hàm phải chuyển văn phòng.

Văn phòng của Đạo Hàm vốn là văn phòng xa hoa bậc nhất trong giới toán học trung học, đầy đủ điều hòa, máy lọc nước, thậm chí còn có cửa sổ hướng ra những ngọn đồi xa xăm để thư giãn.

Bạn có thể nghĩ điều này không có gì to tát nhưng hãy thử nhìn xuống tầng đáy của chuỗi thức ăn toán học, nơi Tập Hợp, Số Phức cùng những định nghĩa yếu thế khác chỉ được cấp một căn phòng thô sơ với cái bàn chông chênh bốn chân không bằng nhau.....

Hiện tại, văn phòng sang trọng nhất đã có chủ mới - Xác Suất.

Vừa mới lên ngôi 'định nghĩa quyền lực nhất', Xác Suất lập tức thu hút một đám nịnh bợ.

Hình Tròn và Quy Hoạch Tuyến Tính bê một chồng tài liệu dày cộp - đây là công việc của Xác Suất.

Bất Đẳng Thức Cơ Bản và Bất Đẳng Thức Tam Giác cùng nhau khiêng một cái thùng lớn, lết đi như mấy con cua, lạch bạch theo sau.

Còn Xác Suất, hai tay chắp sau lưng, bước đi như một lãnh đạo đang thị sát, dẫn theo đoàn người tiến về phía văn phòng mới.

Ở văn phòng dành cho câu 20, Đạo Hàm đang sắp xếp lại đồ đạc của mình.

Dãy Số, do năm nay vẫn giữ nguyên vị trí câu 17 nên nhàn nhã nhai kẹo mút, đi vào văn phòng mới của Đạo Hàm, dựa vào bàn, hỏi: "Đạo Hàm, cậu có đi tiệc mừng của Xác Suất không?"

"Tôi đi làm gì?" Đạo Hàm vừa nói vừa lau bụi bặm trên bàn.

Dãy Số bĩu môi, lẩm bẩm: "Chậc, không đi thì người ta lại bảo cậu nhỏ nhen."

Đạo Hàm thản nhiên đáp: "Tôi với cậu ta đâu có thân. Hơn nữa, mắc nợ nhân tình, sau này còn phải trả lại."

"Dù sao thì người khác nghĩ gì cũng không liên quan đến tôi."

Lời nói thì đúng là thế, lý lẽ cũng chẳng có gì sai nhưng nghĩ đến việc mình bao nhiêu năm qua vẫn chỉ 'làm nền' ở câu 17, Dãy Số thở dài một hơi đầy não nề: Haizz! Liệu sẽ có ngày mình trở thành bài áp chót không?

>>>>>>>>>>